Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

BÂNG QUƠ MÙA ĐÔNG

Mùa đông năm nay lạnh hơn những năm trước, gió bấc đêm đêm cũng kéo về nhiều hơn và dường như những cơn mưa cuối mùa hãy còn lưu luyến nên vẫn lê thê những tháng ngày giá rét. Tôi cảm thấy lạnh lẽo vô cùng, mà hình như đây là năm tôi thấy lạnh nhất từ trước đến giờ.
Đêm qua, nằm ngủ mà nghe tiếng gió lộng rì rầm ngoài sân. Cũng chính vì thế mà cứ lâu lâu tôi lại nghe có vài ba chiếc lác rơi xạc xào chạm vào 2 cánh cửa sổ. Nằm cạnh bên Cha, tôi thấy mình ấm hơn mà trong long cứ trĩu nặng thương cho những kẻ thiếu mái ấm gia đình.
Sáng sớm thức giấc mà tôi không muốn ra khỏi giường và 2 chiếc chăn đêm qua Cha đã đắp cho tôi lúc tôi còn say ngủ. Tôi chợt nghĩ đến cái bản năng của con người tự nhiên “chắc có lẽ ai cũng sợ cái lạnh”, mọi người đều muốn sum vầy, ấm áp. Nghĩ lại cũng khó trách những lần mấy anh tôi ngủ nướng sáng ngày đông khi về nhà thăm cha mẹ lúc còn học ở Sài Gòn.
Tôi không muốn dậy, thế nhưng nào có được đâu. Tôi đã lớn rồi và hiện đang đi làm việc trong một cơ quan Nhà nước với vai trò của một người “Phế đời hành đạo”. Do vậy, dù cho có lạnh tái tê cũng phải kịp ra khỏi giường mà còn đến cơ quan. Nếu đi trể mọi người sẽ dị nghị lời ra tiếng vào, bởi cũng một phần tôi được Lãnh đạo khá trọng dụng và thường được khen ngợi.
Rời khỏi 2 chiếc chăn ấm áp của Cha, tôi vội bước ra sau nhà để đánh răng, ngồi nơi sàn nước. Tôi nhìn về phía hàng Tầm vong chợt phát hiện nó trơ trọi hơn trước đây nhiều quá, dường như sức sống nó đã kém đi nhiều, theo đó là mùi móc ẩm của lá Tầm vong gần mụt nát quyện với hơi sương mù. Tôi nhớ lại mười mấy năm về trước lúc tôi còn thơ bé và cả nhà lúc ấy còn đông đủ các anh, chị chứ không như bây giờ kẻ có chồng, người lấy vợ và lại thêm anh 3 ở cách xa hơn nửa vòng trái đất.
Thuở nhỏ tôi dậy muộn hơn các anh, chị. Khi tôi thức giấc, thì các anh, chị người thì đã đi học, người thì đi làm việc này, việc nọ. Tôi luôn tìm mẹ mỗi buổi sáng. Lúc ấy, mẹ thường ra hàng Tầm vong này quét nhóm những chiếc lá rụng để làm đống un sưởi ấm cho mọi người. Có đôi lúc tôi cũng lẻo đẻo theo sau mẹ mà phá phách cái này, cái nọ. Khói un bay ngùn ngụt lên cao gặp những cơn gió thổi về không mấy chốc đã lan tỏa khắp sân nhà. Mùi khói thơm thơm rất đặc biệt và nhiều khi thu hoạch lúa xong, cha mẹ loại lúa ngọn, lúa lép ra và đốt un thì còn có cốm lúa nữa. Tôi hay nhặt cốm lúa đó ăn khi hong bên đống un. Thỉnh thoảng, Bác 8 kế bên nhà cũng qua hơ lửa cho ấm và thăm hỏi, tình xóm giềng cũng thắm thiết lắm.
Sáng lạnh có đống un của mẹ, tối lạnh có ly trà nóng của cha cũng không ít khi được theo cha uống cà phê sữa nóng ở quán chị 4 Tiêm.
Bao nhiêu đó ký ức nhưng chỉ thoáng qua vội vã, nhanh chóng trở về thực tại sau 03 phút đánh răng. Vệ sinh cá nhân xong xuôi, tôi bắt đầu chuẩn bị quần áo, giày, tất và chải đầu. Nhìn vào tấm gương soi, tôi thấy mình già đi hẳn, tóc cũng bạc khá nhiều và râu ria cũng mọc dài, rậm hơn trước. Thưa cha mẹ tôi lên xe đi làm việc.
Chiếc xe Wave anfa cộng của anh 3 để lại cho tôi cởi. Xe này nó trung thành lắm, có những ngày cỡi nó chạy đi gần 300 km mà nó vẫn êm đềm tiết kiệm xăng. Tôi thấy thương nó vì nó cũng như tôi dù nắng mưa gió bão cũng không mờ phai chí cả, dù gian nan vẫn giữ dạ trung thành, bao nỗi gian lao chỉ than thở riêng mình âm ỉ.
Sáng nay, sương mù khá dày phủ trắng cả một miền quê yêu dấu, gắn bó, chạy xe ngang qua cánh đồng lúa vừa mới gặt nghe mùi rạ thơm tôi thích biết bao. Tôi lại nhớ những đêm ở Suối Heo trong mùa gặt lúa ngủ trong chiếc chòi rách nát nhỏ nhắn, mái lợp bằng tranh, giường lót bằng rơm trải lên lớp bao mà ngủ nhưng thật êm và thơm hương lúa. Sao tôi yêu lúc đó thế không biết.
Tôi nhớ nhà tôi lúc đó không phải là nghèo mà là quá nghèo nên có lẽ vì vậy mà nhà tôi lạnh hơn nhà người khác. Nhiều khi trời lạnh quá không biết làm thế nào, cha tôi đem cả đống un vào nhà sưởi ấm cho mọi người. Tuy ấm lắm nhưng ai cũng lo sợ bởi vì nhà tôi dể cháy lắm do làm bằng tre, lợp bằng tranh lại thấp nữa.
Dạo này nhà tôi khá hơn trước nhiều, mọi người không phải sợ đói lạnh như trước nữa. Nhưng Khá ở đây là khá so với trước của nhà tôi chứ không phải là Khá theo mặt bằng chung của mọi người có ăn, có để. Số lượng thành viên cũng đông hơn trước, diện tích đất cũng dần được phân phát đồng đều. Các anh, chị tụ tập về đây cùng cất nhà ở chung quanh nhà cha mẹ. Vì thế, không khí cũng trở nên sôi nổi hơn trước nhiều. Mọi người không ai sợ buồn vì hầu như lúc nào cũng có tiếng ồn ào từ con nít hay người lớn cải vả. Thế nhưng, rồi đâu cũng vào đấy, cũng lại thấm thiết tình thân tuy nhiên ai cũng có cái riêng của mình.
Được một đoạn khá xa, bây giờ đã đến cầu Gò Chai, nhìn con sông Vàm cỏ mênh mông với những cụm lục bình lênh đênh trên song nước, tôi lại nhớ về chính mình, nhớ đế cuộc đời như một dòng chảy mãi và bất tận. Có thể đó là cảm xúc của Huy Cận đã nhập vào mình chăng ?
Cũng không lâu sau tôi đã đến Cơ quan và mọi việc cứ lập đi lập lại, làm việc và lãnh những đồng lương ít ỏi để lây lất sống qua ngày. Nhưng cũng thấy mình vui vẻ vì công việc khá phù hợp với khả năng. Tôi nhớ lại lời của Sếp (P.GĐ Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo) tôi đã từng dạy cho tôi “ở trên đời này tiền bạc không phải là tất cả, chú thấy có nhiều tiền của cũng chẳng có ý nghĩa gì, chêt có mang theo được đâu. Con thấy đó, những ông đại gia bây giờ tài sản hàng tỉ bạc thì sao. Họ ăn cũng mỗi ngày 3 bữa, sang họ ăn tô hủ tíu đặc biệt, mình cũng có thể ăn tô hủ tíu đặc biệt, chiều họ uống cà phê ngon, mình cũng uống được cà phê ngon, chỉ có điều mình đi xe không đắt tiền bằng họ nhưng xe mình cũng chạy ào ào đó thôi. Không phải sống là không đấu tranh nhưng hãy thường xuyên xem lại kết quả và có tầm nhìn về tương laic ho đúng đắn”. Tuy lời dạy này không có gì xa lạ với tôi nhưng lòng tôi cảm thấy mình sung sướng, mình đã có được một người Sếp chuẩn mực đạo đức.
Rồi những suy nghĩ cứ thế mà thoáng qua rồi trở đi trở lại.

Không có nhận xét nào: